Cuộc đời và sự nghiệp Chu Du

Thời trẻ

Thân thế

Chu Du xuất thân từ gia đình danh giá, nhiều đời đều làm quan. Cha ông là Chu Dị (周異) từng làm Huyện lệnh Lạc Dương,[5] chú là Chu Thượng (周尚) có thời gian làm Thái thú Đan Dương.[6] Ông nội là Chu Cảnh (周景) và bác là Chu Trung (周忠) đều từng làm quan đến chức Thái úy.[7] Ông cố là Chu Vinh (周榮) thời Chương Đế-Hòa Đế làm đến chức Thượng Thư lệnh.[8]

Chu Du sinh ra và lớn lên tại huyện Thư, quận Lư Giang[9] (nay là Thư Thành, An Huy). Sử sách ghi lại rằng ông "cao lớn, cường tráng, đẹp trai",[10] tuổi trẻ đã rất am hiểu âm nhạc. Nếu nhạc đánh sai một nốt, dù đã uống say, Chu Du vẫn biết ngay, bởi vậy thời ấy có câu rằng "Khúc hữu ngộ, Chu Lang cố" (khúc nhạc lỡ sai, Chu Lang ngoảnh lại).[11]

Kết bạn với Tôn Sách

Lư Giang thuộc vùng Hoài Nam của Trung Nguyên, nhưng rất gần đất Ngô Việt. Khi Tôn Kiên khởi binh đánh Đổng Trác (năm 190) đã đưa cả nhà đến đó, ở lại huyện Thư. Chu Du gặp con trai Kiên là Tôn Sách, hai người bằng tuổi nhau,[12] trở thành bạn rất thân.[13]

Chu Du nhường gian nhà phía Nam để gia đình Tôn Sách ở trọ, lại lên nhà lạy chào mẹ của Sách, chia sẻ đồ đạc của cải dùng chung.[14] Hai người cùng kết giao với các danh sĩ ở Giang Nam, trở nên nổi tiếng.[15]

Giúp Tôn Sách lập nghiệp

Năm 191, Viên Thuật phái Tôn Kiên đi đánh Lưu Biểu, Kiên chết trong trận Tương Dương. Tôn Sách sau một thời gian cống hiến cho Thuật không được trọng dụng bèn tìm cách ly khai. Chu Du lúc này đang ở Đan Dương với người chú là quan Thái thú vùng đó.[16]

Chinh phạt Giang Đông

Năm 194, Tôn Sách 20 tuổi, bắt đầu khởi binh ở Lịch Dương, ôm chí muốn sang sông chinh phục Giang Đông, bèn viết thư cho Chu Du. Du lập tức đem binh lương giúp Tôn Sách. Sách rất mừng, nói: "Có ông giúp, việc lớn của ta ắt xong!"[16]

Chu Du cùng Tôn Sách đánh lấy Hoành Giang (橫江), Dương Lợi (當利), rồi vượt sông đánh bại Trích Dung và Tiết Lễ, chiếm được Mạt Lăng (秣陵). Họ tiếp tục đánh Hồ Thục (湖孰), Giang Thừa (江乘), tiến vào Khúc A (曲阿) tấn công Thứ sử Dương châu là Lưu Do, đuổi Do bỏ chạy. Quân Tôn Sách và Chu Du đánh đâu thắng đó, tập hợp được hàng vạn người.[17]

Lúc đó Tôn Sách cho rằng quân lực đã đủ, bảo Chu Du về Đan Dương (gia đình của ông vẫn đang ở đó), còn Sách tiếp tục đi đánh Ngô quận và Cối Kê, bình định vùng Sơn Việt.[18]

Kết giao với Lỗ Túc

Viên Thuật sai em họ là Viên Dận ra làm Thái thú Đan Dương thay Chu Thượng, hai chú cháu cùng về Thọ Xuân.[19] Thuật thấy Du là người có tài, bèn mời làm tướng, nhưng ông nhận thấy Viên Thuật không làm nên việc lớn, nên tìm cách thoái thác, chỉ xin làm quan huyện ở Cư Sào để sau này dễ trở về Giang Đông theo Tôn Sách.[20]

Trong thời gian ở Cư Sào, Chu Du nghe tiếng Lỗ Túc ở Đông Thành giàu có phóng khoáng, hay đem tiền của chia cho người nghèo và thích kết giao danh sĩ, bèn đến chỗ Túc mượn lương thảo. Nhà Lỗ Túc có 2 vựa lúa lớn, liền đem 1 vựa tặng luôn cho Chu Du. Du rất khâm phục, hai người kết bạn với nhau.[21]

Cùng Lỗ Túc sang Giang Đông

Ít lâu sau, Viên Thuật mời Lỗ Túc ra làm quan huyện Đông Thành, nhưng Túc cũng tìm cách từ chối, rồi dẫn cả nhà hàng trăm người đi đến Cư Sào gặp Chu Du. Sang năm 198,[22] cả hai đưa gia quyến cùng rời Cư Sào, vượt sông về Ngô quận.[23]

Tôn Sách nghe tin Chu Du về Ngô quận bèn tự mình ra đón và phong ông làm Kiện Uy Trung Lang Tướng (建威中郎將), giao cho 2000 quân và 50 ngựa chiến.[24] Sách lại cấp cho ông một toán quân nhạc, sửa sang nhà cửa, ban tặng cho nhiều thứ khác, rồi nói:

Chu Công Cẩn anh tuấn, có tài lạ, cùng với ta là bạn từ thuở còn để chỏm, thân như cốt nhục. Lúc trước ở Đan Dương phát binh cùng thuyền tải lương giúp ta lập nên đại sự, luận ơn đức để bồi đáp công lao, như thế cũng chưa đủ báo đáp.”[25]

Chu Lang sánh với Tiểu Kiều

Năm ấy Chu Du 24 tuổi,[26][27] người ở Ngô quận đều khen ngợi ông và gọi là "Chu Lang".[28] Ông được sai trấn thủ Ngưu Chử vốn ở gần Lư Giang, sau đó kiêm chức quan huyện Xuân Cốc.[29]

Năm 199, Tôn Sách muốn đi đánh Hoàng Tổ ở Giang Hạ (thuộc Kinh châu của Lưu Biểu) để báo thù cho cha. Chu Du được phong làm Trung hộ quân, Thái thú Giang Hạ,[30][31] cùng Sách và Lã Phạm, Trình Phổ kéo quân đi.

Trên đường đi thì được tin Viên Thuật chết, lực lượng phân hóa làm hai: Viên Dận đến Hoãn Thành (皖城, còn dịch là Uyển Thành) nương tựa Thái thú Lư Giang là Lưu Huân, còn Dương Hoằng và Trương Huân định đến hàng Tôn Sách nhưng lại bị Lưu Huân chặn đường giết chết.[32]

Tôn Sách rất hận Lưu Huân,[33] dùng kế lừa Lưu Huân đi đánh Thượng Diên[34] rồi cùng Chu Du mang 2 vạn quân tập kích vào quận Lư Giang, chiếm được Hoãn Thành,[32] tiếp quản toàn bộ số quân cũ của Viên Thuật được khoảng 3 vạn.

Tại Hoãn Thành có hai tiểu thư xinh đẹp nổi tiếng, là con của Kiều công. Tôn Sách và Chu Du cùng đến hỏi làm vợ. Giang Biểu truyện của Ngu Phổ chép: Sách đến xem mặt xong, nói đùa với Du rằng:

Hai cô con gái của Kiều Công tuy phải chịu loạn ly, nhưng được hai người chồng như chúng ta, cũng vinh hạnh lắm chứ.”[35]

Tôn Sách lấy Đại Kiều, còn Chu Du lấy Tiểu Kiều.[36]

Bình định Dự Chương, trấn giữ Ba Khâu

Lưu Huân mất thành, chạy về phía tây cầu viện Hoàng Tổ. Hoàng Tổ gửi 5.000 thủy quân thiện chiến tới giúp Lưu Huân. Quân Tôn Sách lại đánh bại Lưu Huân,[37] thu được trên 2.000 quân cùng 1.000 chiến thuyền của Huân.[38]

Lưu Huân phải chạy về phía bắc hàng Tào Tháo. Tôn Sách và Chu Du quay sang đánh Hoàng Tổ. Hai bên đánh một trận lớn ở gần Vũ Xương. Dù có viện binh từ Lưu Biểu, nhưng Hoàng Tổ vẫn bại trận. Tuy thắng nhưng Tôn Sách phải quay về bình định nốt Dự Chương.[37] Hoàng Tổ vẫn giữ được Giang Hạ.

Chu Du theo Tôn Sách tiến đến Dự Chương, dụ hàng Thái thú Hoa Hâm (dưới quyền Lưu Do đã chết), thu được quận Dự Chương.[37] Tôn Sách mang đại quân về Khúc A, Chu Du được lệnh đóng quân trấn giữ Ba Khâu.[37]

Giúp Tôn Quyền

Về Ngô chịu tang, lo việc chính sự

Năm 200, Tôn Sách mới 26 tuổi[39] đã hùng cứ một phương, chiếm lĩnh 5 quận Giang Đông là Cối Kê, Ngô quận, Đan Dương, Dự Chương và Lư Lăng.[40] Một hôm Sách đang cưỡi ngựa ra ngoài thì bị thích khách ám hại,[41] vết thương rất nặng, gọi Trương Chiêu đến dặn dò, trao lại ấn tín cho em là Tôn Quyền rồi chết.[32]

Chu Du nghe tin liền từ Ba Khâu về Ngô quận chịu tang Tôn Sách. Ông được Tôn Quyền giữ lại, phong làm Trung hộ quân (中護軍) nắm giữ binh quyền,[42] cùng Trưởng sử Trương Chiêu giúp Quyền lo việc đại sự.[43] Ông trở thành nhân vật số 2 trong chính quyền họ Tôn sau Trương Chiêu.[44]

Tình hình Đông Ngô lúc đó

Tôn Sách tuy đã đặt xong nền móng cho nước Đông Ngô sau này, nhưng cái chết của ông đã khiến tập đoàn họ Tôn có nguy cơ tan vỡ, nguyên nhân như Tôn Thịnh nói là: “nghiệp không có tích đức cơ bản, bang không có cơ sở vững chắc”.[45] Họ Tôn tuy gốc gác ở Giang Đông, nhưng không phải danh gia "sĩ tộc"; Tôn Kiên khởi nghiệp ở vùng Hoài-Tứ, được cho là "Giang Tây", lại phục vụ cho "phản thần" Viên Thuật. Vì vậy, Tôn Sách đem quân cũ của cha sang sông chinh phạt Giang Đông, thì người Giang Đông coi họ Tôn là người ngoài vào xâm lược, tuy khống chế được 5 quận nhưng là do dùng vũ lực đoạt được, nhiều nơi còn chưa thần phục. Sách lại trấn áp bằng cách "giết các anh hào" chống đối, khiến nhiều người căm hận.[46]

Trong chính quyền non trẻ của họ Tôn lúc này lại không đồng lòng, chia làm 3 phái chính:[47]

  • Một là "tướng lĩnh Hoài-Tứ", gồm những người đã theo Tôn Kiên, Tôn Sách từ trước, cùng vượt sông sang đánh chiếm Giang Đông như: Trình Phổ, Hoàng Cái, Hàn Đương, Tưởng Khâm, Chu Thái... và đứng đầu là Chu Du. Nhóm này trung thành với họ Tôn, và chủ yếu là tướng lĩnh quân sự.
  • Hai là "Bắc sĩ lưu vong", gồm những người đã chạy loạn từ phương Bắc xuống miền Nam lánh nạn, như: Gia Cát Cẩn, Bộ Chất, Nghiêm Tuấn, Trương Hoành, và tiêu biểu là Trương Chiêu. Nhóm này chủ yếu là quan văn, tư tưởng phân tán, mỗi người một ý, lo thân mình trước.
  • Ba là "tứ đại gia tộc Giang Đông" gồm Ngu, Ngụy, Cố, Lục, gồm những nhân sĩ như: Ngu Phiên, Ngụy Đằng, Cố Ung, và Lục Tốn. Nhóm này căm ghét họ Tôn, tìm cách chống đối.

Tôn Quyền lúc đó còn nhỏ tuổi, nhờ có Trương Chiêu và Chu Du phò tá, một văn một võ, một già một trẻ, như là hai trụ chống trời, mới khiến sự nghiệp họ Tôn đứng vững và tiếp tục phát triễn.[48]

Lúc trước Lỗ Túc đưa cả nhà sang sông cùng Chu Du, nhưng dừng lại ở Khúc A. Không rõ ông có phục vụ cho Tôn Sách hay không (nếu có thì không được trọng dụng), nhưng Chu Du lúc này tiến cử Túc với Tôn Quyền. Hai người sau khi hội đàm thì tâm đầu ý hợp, Lỗ Túc trở thành nhà hoạch định chiến lược được Tôn Quyền yên mến.[49]

Khuyên Tôn Quyền không gửi con tin

Năm 202, Tào Tháo đánh thắng Viên Thiệu, thế lực rất thịnh, hạ chiếu thư[50] yêu cầu Tôn Quyền đưa con vào Hứa Xương làm con tin. Tôn Quyền triệu tập quần thần thương nghị. Trương Chiêu đứng đầu các quan, nhưng lại do dự không quyết. Quyền bèn dẫn riêng Chu Du đến chỗ mẹ mình để bàn định.[51]

Chu Du phân tích rằng Tôn Quyền nay kế thừa cơ nghiệp cha anh, nắm giữ 6 quận, binh hùng tướng mạnh, quân lương đầy đủ, sản vật giàu có, lòng dân quy phục, có sông nước thuận tiện di chuyển, đủ sức chống bất kỳ kẻ địch nào, chẳng có lý do gì phải gửi con tin để rồi bị lệ thuộc vào Tào Tháo.[52] Ngô thái phu nhân[53] nói:

Lời bàn của Công Cẩn đúng lắm. Công Cẩn cùng với Bá Phù cùng tuổi, nhỏ hơn một tháng, ta coi như con ta, mày phải xem như anh trai vậy.[54]

Quyền nghe lời, không đưa con vào triều làm tin.[54] Tào Tháo đang bận bình định Hà Bắc nên cũng chưa thể quan tâm tới miền Nam.[44]

Xuất binh diệt Hoàng Tổ

Năm 206, Chu Du dẫn theo em họ Tôn Quyền là Tôn Du (孫瑜) đi đánh dẹp hai đồn Ma (麻), Bảo (保) của giặc cướp, chém đầu bọn thủ lĩnh, bắt sống hơn vạn người.[55] Cùng năm ấy, tướng của Hoàng Tổ là Đặng Long (鄧龍) đem mấy ngàn quân xâm nhập Sài Tang, bị Chu Du đem binh truy kích. Long bị bắt sống, giải về Ngô quận.[55]

Năm 208, Tôn Quyền lại ra quân đánh Hoàng Tổ.[56] Chu Du được phong Tiền Bộ Đại Đốc (前部大督), thống lĩnh chư tướng.[57] Chu Du cùng Lã Mông, Lăng Thống, Cam Ninh đốc thúc binh sĩ ra sức tấn công cả hai đường thủy bộ, đại thắng Hoàng Tổ. Tổ bỏ chạy, bị bắt sống và xử tử. Quân Ngô chiếm được Giang Hạ, nhưng Lưu Biểu đưa quân Kinh châu đến cứu, nên phải rút lui. Biểu cho con là Lưu Kỳ trấn thủ Giang Hạ.

Tào Tháo nghe tin Tôn Quyền tiến sang Kinh châu, vội khởi đại quân nam tiến để tranh giành Kinh châu[58].

Thuyết phục Tôn Quyền kháng Tào

Lưu Biểu chết bệnh, con là Lưu Tông đầu hàng Tào Tháo. Tào Tháo chiếm được Kinh Châu, thu được hết thủy quân Kinh châu, chiến thuyền, cùng mấy chục vạn quân bộ, khiến người ở Giang Đông đều kinh hãi, lo lắng.[59]

Tháo lấy danh nghĩa của Hán đế yêu cầu Tôn Quyền đầu hàng. Quyền gọi quần thần dưới trướng đến hỏi kế sách. Đa phần đều cho rằng nên hàng, bởi Tháo mang danh Thiên Tử nay lại được thủy quân Kinh Châu, lợi thế của Trường Giang đã không còn.[59]

Chu Du không đồng ý, cho rằng Tào Tháo "giả danh tướng nhà Hán, kỳ thực là giặc nhà Hán", còn Tôn Quyền "thừa kế cơ nghiệp cha anh, binh hùng tướng mạnh, phải vì nhà Hán diệt trừ kẻ bạo tàn", đồng thời phân tích ra 4 điều kỵ trong binh pháp mà Tào Tháo đang phạm phải:[60]

  • Đất Bắc chưa thật sự yên, vùng Tây Lương có Mã Đằng, Hàn Toại là mối lo sau lưng Tháo.[60]
  • Thủy chiến vốn là sở trường của quân Ngô-Việt, không phải của quân phương Bắc.[60]
  • Thời tiết hiện rất lạnh, ngựa không có cỏ ăn.[60]
  • Binh sĩ Trung Nguyên không quen thủy thổ phương Nam, sẽ sinh bệnh tật.[60]

Ông tiếp tục: "Du này xin được cấp ba vạn tinh binh, tiến đến đóng giữ Hạ Khẩu, bảo đảm sẽ vì Tướng quân mà phá tan quân giặc."[60]

Tôn Quyền nghe Chu Du phân tích xong, nói "Ngươi nói rất hợp ý cô, thực là trời đem ngươi đến cho ta vậy!",[60] rồi chụp lấy thanh đao chém đứt góc bàn, nói: "Ai còn dám nói đến chuyện đón rước Tháo, sẽ như cái bàn này."[61]

Kết thúc buổi chầu, Chu Du lại vào thưa về thực lực đôi bên để Tôn Quyền khỏi lo lắng:[62]

  • Quân Tào nói có tổng cộng 800.000, thật ra chỉ có khoản 150.000 đến 160.000, lại mệt mỏi lắm rồi.[62]
  • Hàng quân của Lưu Biểu chỉ 70.000 đến 80.000, trong lòng lại hồ nghi.[62]
  • Địch vừa mệt vừa không đồng lòng nên dẫu đông cũng không đáng sợ, chỉ cần 50.000 binh là đủ khắc chế.[62]

Tôn Quyền vỗ vai Chu Du nói "Khanh nói rất hợp lòng Cô". Trước mắt không tập hợp nổi 50.000 người, Chu Du lĩnh 30.000 binh cùng Trình Phổ đi đối địch Tào Tháo ở Xích Bích.[62]

Bùi Tùng Chi chú giải Tam quốc chí cho rằng người đầu tiên khuyên Tôn Quyền đánh Tào là Lỗ Túc, sau đó Chu Du thuyết phục được Quyền hạ quyết tâm, đây là công của cả hai người.[63]

Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, nhà văn La Quán Trung đã hư cấu ra tình tiết nhân vật Gia Cát Lượng sử dụng bài phú Đồng Tước đài để khích nhân vật Chu Du đánh Tào, đây là việc hoàn toàn không có thật bởi 3 năm sau đó Tào Tháo mới cho xây Đồng Tước đài, và 2 năm sau nữa Tào Thực mới làm bài phú này.[64] Sử gia Dịch Trung Thiên cho rằng vở kịch "Khổng Minh dùng kế khích Chu Du" của La Quán Trung thật sự khôi hài, dựng nên hình tượng Gia Cát Lượng, Chu Du, Lỗ Túc đều "chẳng ra gì": nhân vật Lỗ Túc ngẩn ngơ đần độn, nhân vật Gia Cát Lượng lên mặt ta đây dối trá lung tung mất tư cách, nhân vật Chu Du không lo quốc gia hưng vong mà đánh Tào chỉ vì ghen tuông...[65]

Xích Bích nổi danh

Bài chi tiết: Trận Xích Bích

Hợp quân với Lưu Bị

Lưu Bị thua to ở Trường Bản, phải bỏ cả vợ con[66][67][68][69] chạy về Hạ Khẩu. Lúc này Lỗ Túc đến, giới thiệu rằng mình là bạn Gia Cát Cẩn, khuyên Lưu Bị liên minh với Tôn Quyền. Bị cử Gia Cát Lượng làm sứ giả tới Giang Đông.[70]

Quyền phong cho Chu Du là Tả Đô Đốc (左督),[71] Trình Phổ làm Hữu Đô Đốc (右督),[71] Lỗ Túc làm Tham quân Hiệu Úy, dẫn 3 vạn binh mã đi hợp quân với Lưu Bị.[72]

Tôn, Lưu lo lắng; Chu Du tự tin

Lúc Chu Du dẫn quân đi, Tôn Quyền vẫn nghi ngờ khả năng chiến thắng. Quyền vỗ vai ông, nói: "Đô đốc hãy tận lực, dốc hết sức, nếu có gì không thuận lợi thì còn có ta đây. Ta sẽ quyết một trận sống mái với Tào Tháo, quyết không hối hận."[73][74]

Thuyền của Chu Du đi trước ra Phàn Khẩu, đại quân chưa đến, thì Lưu Bị đã tới gặp. Hai người bàn chuyện ở trên thuyền, Bị hỏi quân số Đông Ngô được bao nhiêu. Chu Du thản nhiên trả lời: "Chỉ có hơn 3 vạn." Lưu Bị rất thất vọng và lo lắng vì thấy quân quá ít. Chu Du tự tin nói: "Lưu Dự Châu xem tôi đánh bại Tào A Man nhé!"[73][75][76]

Lưu Bị về trại càng nghĩ càng thấy lo sợ, ngầm sai Quan Vũ đi bố trí sẵn ở bờ bắc sông Hán Thủy, đề phòng nhỡ khi thua thì còn có chỗ đấy để chạy về.[73][75][76]

Dùng kế của Hoàng Cái, hỏa thiêu Xích Bích

Đúng như tiên đoán của Chu Du,[60] quân Tào bị dịch bệnh, mới giao chiến một trận đã thua, phải thối lui đóng ở bờ bắc sông Xích Bích, quân Ngô đóng ở bờ nam.[77]

Quân của Chu Du ít hơn nhiều, nhưng lại chiếm ưu thế về thủy chiến, Tào Tháo không thể qua sông nên đóng trại ở bờ bắc để huấn luyện quân. Lúc này là mùa đông giá rét, gió bắc thổi mạnh, thuyền bè chao đảo, trong quân Tào nhiều người mắc bệnh. Để giải quyết vấn đề này, Tào Tháo ra lệnh dùng xích sắt nối thuyền lớn lại[78] theo lối của kị binh liên hoàn mã, gọi đó là "Liên hoàn thuyền".

Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, nhà văn La Quán Trung đã thêm tình tiết hư cấu rằng Bàng Thống bày ra kế "liên hoàn thuyền" để lừa Tào Tháo, giúp Chu Du chiến thắng. Việc này hoàn toàn không được ghi trong bất kỳ sách sử nào.

Bộ tướng của Chu Du là Hoàng Cái hiến kế: "Tôi quan sát thấy chiến thuyền của quân Tháo đầu đuôi liên tiếp nhau, có thể dùng kế hoả công để chúng phải bỏ chạy vậy." Chu Du nghe theo, lập tức cho chọn lấy mấy chục chiến thuyền, che trùm kín mít, chứa đầy cỏ khô, trong tẩm dầu mỡ, ngoài dùng vải che kín, trên cắm cờ xí;[79] ngoài ra Cái còn chuẩn bị nhiều thuyền nhỏ để trốn thoát.[80]

Hoàng Cái gửi thư giả đầu hàng Tào Tháo,[79] vào một đêm có gió đông nam, quân Ngô dùng hỏa công đánh trại của Tào Tháo. Các chiến thuyền quân Tào bị khóa không chạy tản ra được, đều bị thiêu.[80] Chu Du cùng các tướng cưỡi thuyền nhẹ theo sau, cho quân đánh trống vang to như sấm, lửa lan lên doanh trại trên bờ, quân Tào tan vỡ, Tào Tháo bỏ chạy.[81]

Do bị liên quân của Tôn Quyền và Lưu Bị đuổi, Tào Tháo cho Tào Nhân giữ Nam Quận, rồi rút về phương bắc.[82] Trận Xích Bích đưa tên tuổi Chu Du nổi lên, và được liệt vào hàng những tướng giỏi của lịch sử Trung Quốc.

Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, nhà văn La Quán Trung đã hư cấu ra hàng loạt tình tiết miêu tả mưu kế thần thánh của nhân vật Gia Cát Lượng trong suốt chiến dịch Xích Bích như "thuyền cỏ mượn tên", cùng Chu Du viết chữ "Hỏa" trong lòng bàn tay, lập đàn hô mưa gọi gió đông (tất cả đều không có thật) khiến nhân vật Chu Du ghen tức tài năng. Trên thực tế, theo các sử gia, Gia Cát Lượng không những không có vai trò quân sự gì trong trận Xích Bích, mà còn "đã học tập được nhiều điều bổ ích ở Chu Du và Lỗ Túc".[83]

Lưu Bị, Tào Tháo gièm pha

Trong một bữa tiệc, Tôn QuyềnLưu Bị nói chuyện về thứ bậc các quan tướng, Bị khen Chu Du:[84]

“Công Cẩn văn võ thao lược, là anh tài trong đám vạn người.”[84]

nhưng sau đó lại chêm thêm rằng:[84]

“Xem người có chí khí lớn như thế, sợ rằng chẳng chịu làm kẻ bầy tôi tầm thường lâu.”[84]

Tào Tháo thua chạy về đến Trung Nguyên, tuyên bố rằng mình chẳng có gì phải xấu hổ,[84] rồi gửi thư cho Tôn Quyền, viết:

“Chiến dịch Xích Bích, gặp lúc có dịch bệnh, Cô đốt thuyền rồi tự lui quân, không ngờ Chu Du thu được cái hư danh ấy.”[84]

Thế nhưng dù người khác có bình luận ra sao thì Tôn Quyền vẫn một lòng tín nhiệm Chu Du.[85]

Tưởng Cán dụ hàng

Năm 209[86], Tào Tháo sai người bạn cũ của ông là Tưởng Cán đến thăm và dụ hàng ông. Dù Tưởng Cán đóng vai kẻ sĩ nhàn tản đến gặp với tư cách bạn bè, Chu Du vẫn nhận ra dụng ý của họ Tưởng. Ông hậu đãi Tưởng Cán mấy ngày rồi nói thẳng quan điểm của mình không bao giờ thay lòng đổi dạ thờ họ Tôn. Tưởng Cán biết không thể dụ được ông, đành quay về báo lại cho Tào Tháo[87]. Các danh sĩ Giang Đông vì vậy càng kính phục Chu Du.[58]

Vây chiếm Giang Lăng

Chu Du cùng Trình Phổ tiến đánh Nam Quận.[88] Hai bên còn chưa giao tranh thì Chu Du đã phái Cam Ninh đi chiếm Di Lăng. Ninh bị quân Tào bao vây, cầu cứu Chu Du. Du nghe lời Lã Mông, để Lăng Thống giữ hậu phương, còn mình đích thân cùng Mông đi giải vây Cam Ninh.[89]

Lưu Bị nói với Chu Du rằng: “Thành Giang Lăng lương thảo rất nhiều, tôi sai Trương Dực Đức dẫn một nghìn người đi theo ngài, ngài chia hai nghìn quân đi theo tôi, tôi theo dòng Hạ Thuỷ xuống cắt đứt hậu phương của Nhân, Nhân hay tin tôi đến tất bỏ chạy.” Du đưa thêm hai nghìn người cho Bị.[90]

Hai bên chuẩn bị đại chiến, Chu Du thân chinh cưỡi ngựa đi trước trận thì bị tên bắn trúng sườn, phải lui về. Tào Nhân nghe tin ông phải nằm không dậy được, liền kéo ra khỏi thành bày trận tiến đánh. Chu Du đang trọng thương vẫn cố gắng ngồi dậy, đích thân đi xem xét quân doanh, khích lệ tinh thần binh sĩ. Tào Nhân thấy vậy rút quân về.[91]

Quan Vũ theo lệnh biệt phái của Lưu Bị và Chu Du, mang quân lên phía Bắc nhằm chia cắt liên lạc giữa Thượng Giang và Giang Lăng, chặn đường rút lui của Tào Nhân, nhưng liên tiếp bị Lý Thông, Nhạc Tiến, Văn Sính đánh đại bại, kho lương và chiến thuyền của Vũ ở Tầm Khẩu bị đốt sạch.[92][93][94] Do vậy, đường tiếp tế của quân Tào cho Giang Lăng vẫn thông suốt.

Liên quân Chu Du-Lưu Bị bao vây thành Giang Lăng trong suốt một năm trời, cuối cùng quân Tào phải rút lui về Tương Dương, quân Ngô chiếm được phần lớn Nam Quận. Tôn Quyền bèn phong cho Chu Du làm Thiên tướng quân (偏將軍) kiêm thái thú Nam Quận, được hưởng thực ấp ở các huyện Hạ Tiêu, Hán Xương, Lưu Dương và Châu Lăng, trụ sở đóng tại huyện Giang Lăng thuộc Nam Quận.[95]

Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, nhà văn La Quán Trung đã hư cấu ra việc nhân vật Gia Cát Lượng dùng mưu phỗng tay trên đoạt cả Giang Lăng và Tương Dương, khiến nhân vật Chu Du tức thổ huyết. Tuy nhiên trong các hồi sau, tác giả lại quên mất và cho Tương Dương nằm trong tay Tào Tháo, rồi Quan Vũ lại đến đánh chiếm Tương Dương. (Tất cả đều là hư cấu, trên thực tế Giang Lăng trở thành dinh sở của tân thái thú Nam Quận Chu Du, còn quân Tào chưa bao giờ mất Tương Dương trong suốt thời Tam Quốc).

Hiến kế và sách lược tương lai

Trong lúc quân Ngô khổ chiến với quân Tào thì Lưu Bị cũng tranh thủ giành đất Kinh châu, chiếm được vài quận phía nam. Lưu Bị sau đó còn sang Ngô Quận gặp Tôn Quyền đề nghị cho mượn Nam quận, với danh nghĩa "mượn Kinh châu" để cùng chống Tào Tháo. Chu Du nghe tin bèn viết thư cho Tôn Quyền phản đối việc này. Ông đề nghị hãy giữ Lưu Bị lại, dùng mỹ nhân lung lạc, và ly cách với các mãnh tướng Quan Vũ, Trương Phi, điều hai tướng này đi chinh chiến để lợi dụng tài năng của họ.

Tuy nhiên Tôn Quyền lại theo chủ trương của Lỗ Túc, rất coi trọng liên minh với Lưu Bị để cùng chống Tào Tháo vẫn còn rất mạnh ở phía bắc nên không đồng tình với ý kiến của ông[96].

Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, nhà văn La Quán Trung đã hư cấu ra việc nhân vật Gia Cát Lượng tiên đoán trước mọi việc, viết sẵn 3 cẩm nang cho nhân vật Triệu Vân, lợi dụng nhân vật hư cấu là Ngô quốc thái và Kiều Công (lúc đó đã mất từ lâu) để khiến nhân vật Chu Du "đã mất phu nhân lại thiệt quân".

Đánh giá về mưu kế của Chu Du, các học giả Trung Quốc cho rằng: Giam lỏng Lưu Bị thì khả thi và cũng là một độc kế, nhưng lợi dụng Trương Phi và Quan Vũ phục vụ cho mình thì không thể thực hiện được và Chu Du không hiểu quan hệ gắn bó của 3 người Lưu Quan Trương tới mức nào[97].

Kế đó không thành, Chu Du lại nghĩ kế khác, đề nghị với Tôn Quyền:

Tào Tháo mới bị đại bại, không thể cử binh đánh ta. Đây là thời cơ tốt để ta mở rộng thế lực. Tôi xin cùng Phấn uy tướng quân Tôn Du đánh vào chiếm đất Thục, rồi diệt luôn Trương Lỗ. Sau đó lưu Tôn Du ở lại làm thanh thế, liên kết với Mã Siêu cùng chống Tào Tháo. Tôi sẽ trở về cùng ngài đánh chiếm Tương Dương, truy kích Tào Tháo, tiến lên phía bắc lấy trung nguyên.

Kế sách này của Chu Du được xem là có tầm nhìn xa trông rộng, được các nhà nghiên cứu đánh giá rất cao[98]. Bên ngoài là đối địch với Tào Tháo, bên trong là ngầm thanh toán Lưu Bị[99].

Tôn Quyền tán thành mưu kế của Chu Du. Ông quay về Giang Lăng gấp, chuẩn bị cho cuộc chiến.

Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, nhà văn La Quán Trung đã hư cấu rằng việc đánh Thục chỉ là "kế mượn đường diệt Quắc" của nhân vật Chu Du để cướp "Kinh Châu", nhưng bị nhân vật Gia Cát Lượng vạch trần. Sau nhiều lần bị chọc tức, nhân vật Chu Du kêu lên "Trời sinh Du sao còn sinh Lượng" rồi chết. Đây hoàn toàn là màn kịch do La Quán Trung tự tô vẽ nên để tâng bốc Gia Cát Lượng,[2][3][4] nhân vật này sau đó còn "chọc tức" làm chết nhân vật Tào Chân và nhân vật Vương Lãng (cũng đều là việc hư cấu).

Qua đời

Đang gấp rút chuẩn bị cuộc chiến thì Chu Du bị bệnh nặng ở Ba Khâu[100]. Biết mình không qua khỏi, Chu Du viết lại thư gửi Tôn Quyền, dặn lại 3 việc:

  1. Đề cử Lỗ Túc thay mình cầm quân
  2. Phải đề phòng Tào Tháo ở phía bắc ("Tào công phía bắc, biên cương không yên")
  3. Không thể quên nguy cơ từ Lưu Bị ("Lưu Bị ở nhờ khác nào nuôi hổ").

Rồi Chu Du qua đời, năm đó ông mới 36 tuổi. Tôn Quyền nghe tin ông mất cảm thấy như mất một cánh tay, tự mình mặc áo tang đến để tang ông[98]. Linh cữu Chu Du được chuyển về Ngô Quận, Tôn Quyền ra tận Vu Hồ nghênh đón.

Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, nhà văn La Quán Trung đã hư cấu ra việc nhân vật Gia Cát Lượng đến dự tang lễ của Chu Du, nhân vật Lỗ Túc cảm động khóc, ca ngợi Gia Cát Lượng và chê bai nhân vật Chu Du là "hẹp hòi, tự chuốc lấy cái chết".

Sau này Tôn Quyền xưng làm hoàng đế (năm 229), vẫn nhớ tới công lao gây dựng của Chu Du.

Cái chết của Chu Du khiến Lưu Bị và Gia Cát Lượng bớt được áp lực lớn từ phía Đông Ngô, vì người kế tục ông là Lỗ Túc chủ trương hòa hiếu với Lưu Bị.